Nếu bạn là một mọt phim Hàn Quốc, chắc hẳn bạn đã từng nghe đến khái niệm “chaebol”. Vì những câu chuyện xoay quanh tập đoàn chaebol luôn là đề tài hấp dẫn với các nhà làm phim. Cùng WANG Language tìm hiểu về các chaebol có sức ảnh hưởng tại Hàn Quốc qua bài viết dưới nhé!

Chaebol là gì?
Chaebol (재벌), trong tiếng Hán là “tài phiệt”. Đây là thuật ngữ chỉ những tập đoàn gia đình giàu có, quyền lực. Người đứng đầu tập đoàn nắm quyền quản lí các công ty mẹ liên kết với nhau. Các công ty mẹ lại tiếp tục quản lý các công ty con trực thuộc khác. Các chaebol hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau từ sản xuất đến tài chính, kinh doanh bất động sản,… Với nguồn vốn khổng lồ, các chaebol có thể tận dùng quyền lực để gây tác động đến kinh tế, chính trị và xã hội Hàn Quốc.

Sự ra đời của các tập đoàn bắt đầu từ sau Thế chiến thứ 2, Nhật Bản đầu hàng và rút quân khỏi Hàn Quốc. Lúc này, một số doanh nhân đã tận dụng cơ hội, chớp lấy quyền sở hữu tài sản người Nhật để lại. Năm 1961, nhờ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Tổng thống Park Chung Hee, các tập đoàn nhanh chóng phát triển. Cuối những năm 1980, các tập đoàn này gần như đã chế ngự các lĩnh vực kinh tế của Hàn Quốc. Nổi bật trong số đó là ngành công nghiệp nặng, sản xuất và thương mại. Đến năm 1984, thuật ngữ “chaebol” lần đầu xuất hiện. Đây là cột mốc đánh dấu sự ảnh hưởng lớn của các tập đoàn tài phiệt này.
Đến nay, các tập đoàn tài phiệt mở rộng quy mô trên toàn thế giới, thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc phát triển. Ngoài ảnh hưởng tích cực, sự độc quyền kinh tế của chaebol cũng để lại nhiều vấn đề cần giải quyết.
TOP Chaebol có sức ảnh hưởng nhất Hàn Quốc
Sự phát triển của các chaebol đã góp phần lớn đưa Hàn Quốc vươn lên thành cường quốc kinh tế. Vậy những tập đoàn quyền lực nhất Hàn Quốc là những tên tuổi nào?
Tập đoàn Samsung
Đứng đầu danh sách phải kể đến gã khổng lồ Samsung. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc năm 2020, doanh thu Samsung gần bằng 20% GDP cả nước. Điều này giúp khẳng định Samsung là tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc.

Samsung được thành lập vào năm 1938 bởi Lee Byung Chul. Khởi nguồn đây là một công ty thương mại buôn bán nhỏ lẻ. Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ông Lee đã tận dụng thời cơ mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực. Có thể kể đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, xây dựng, thực phẩm chế biến,… Đặc biệt, nhờ sự phát triển vượt bậc của mảng công nghệ điện tử, Samsung luôn nằm trong top các ông lớn công nghệ trên toàn cầu.
Có thể bạn chưa biết, “Samsung” trong tiếng Hàn là “삼성”, tức “ba ngôi sao”. Trong đó, ‘삼’ (ba) tượng trưng cho sự lớn mạnh, tràn đầy hạnh phúc và mạnh mẽ; còn “성” (ngôi sao) đại diện cho ánh sáng, sự cao quý và vĩnh cửu. Đây cũng là tầm nhìn và khát vọng của người sáng lập – ông Lee Byung Chul, về sự thành công của công ty. Thực vậy, sau hơn 80 năm phát triển, Samsung trở thành thương hiệu quen thuộc, có thể nghe, nhìn ở bất cứ đâu trên thế giới.

Tập đoàn Hyundai

Khi nhắc đến các chaebol có sức ảnh hưởng ở xứ Hàn, không thể không nêu tên Hyundai. Tập đoàn Hyundai do Chung Ju-yung sáng lập năm 1947. Hyundai tiếng Hàn là “현대” (hiện đại), tượng trưng cho sự đổi mới và tiến bộ. Nó cũng chính là mục tiêu của tập đoàn. Hyundai hướng đến sự sáng tạo và phát triển các sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Nói về Hyundai, mọi người thường nghĩ ngay đến danh hiệu “ông trùm xe hơi”. Theo Financial Express (2023), Hyundai hiện đang là nhà sản xuất xe hơi lớn thứ ba trên thế giới. Bên cạnh ô tô, Hyundai Group còn tập trung phát triển vào đóng tàu, công nghiệp nặng,…
Để đạt thành công như ngày hôm nay, ít ai biết rằng ông Chung Ju-yung đã trải qua nhiều khó khăn. Từng phải lao động tay chân vất vả nên ông có đam mê với kỹ thuật dân dụng. Với mong muốn thoát nghèo, ông đã không ngừng nỗ lực để xây dựng nên “đế chế” Hyundai hùng hậu. “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách” là bí mật thành công của Hyundai. Đây cũng là bài học quý báu ông để lại cho hậu thế sau này.


Tập đoàn LG
Cùng với Samsung và Hyundai, LG cũng một trong những chaebol quyền lực giúp Hàn Quốc “hóa rồng”. LG do ông Koo In Hwoi sáng lập năm 1947. Tên gọi sơ khai của tập đoàn là “Lucky Goldstar” (ngôi sao vàng may mắn).

LG khởi nguồn là một nhà máy mỹ phẩm, sau đó mở rộng sang thị trường gia dụng bằng nhựa. Đến năm 1958, LG chính thức bước vào hàng điện tử gia dụng. Từ đó đến nay, LG nổi tiếng với các mặt hàng như: tivi, tủ lạnh, máy giặt,… Trong thập niên 1980, LG cũng mở rộng quy mô kinh doanh sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc,…
Gần đây, LG tập trung vào việc phát triển sản phẩm công nghệ cao. Nổi bật nhất phải kể đến công nghệ màn hình OLED. Công nghệ OLED hiện được ứng dụng vào nhiều sản phẩm như smartphone, laptop, TV, máy ảnh kỹ thuật số,…

Ngoài điện tử gia dụng, LG còn phát triển trong cả lĩnh vực hóa chất, dịch vụ tài chính, năng lượng tái tạo,…Vì có nhiều đóng góp cho kinh tế quốc gia nên tập đoàn LG luôn nằm trong TOP chaebol có tầm ảnh hưởng lớn tại Hàn Quốc.
Tập đoàn SK
So với ba chaebol kể trên, SK Group được coi là “sinh sau đẻ muộn”. Tuy nhiên tập đoàn này cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hàn Quốc. SK là viết tắt của Sunkyong, công ty dệt may tiền thân của tập đoàn do Jong Kun Chey sáng lập.

Đến nay, SK đã mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới. Song thế mạnh của tập đoàn là năng lượng xăng dầu, dược phẩm y tế và công nghệ viễn thông. Công ty con của SK được nhiều người biết đến hơn cả là SK Telecom. Đây cũng là nhà mạng viễn thông lớn nhất, dẫn đầu về công nghệ truyền thông ở Hàn Quốc. Đáng chú ý là năm 2022, SK Group đã “vượt mặt” Hyundai, vươn lên trở thành tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc chỉ sau Samsung.
Tại Việt Nam, SK nổi tiếng là “ông lớn” trong các thương vụ góp vốn và mua cổ phần. Theo đó, tập đoàn này đã đầu tư và mua lại cổ phần của nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Masan Group hay Vingroup
Tập đoàn Lotte

Lotte Group là tập đoàn đứng thứ 5 trong danh sách chaebol có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất Hàn Quốc. “Cha đẻ” của Lotte là ông Shin Kyuk-ho. Trong Thế chiến thứ 2, ông đã di cư sang Nhật Bản. Năm 1948, Lotte được thành lập tại Tokyo, sơ khai là công ty bánh kẹo. Đến năm 1967, ông đã đưa hoạt động kinh doanh này về Hàn Quốc. Hiện nay, Lotte có hai trụ sở chính đặt tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tại Việt Nam, chúng ta hẳn không còn xa lạ với Lotte Mart, Lotte Cinema hay Lotteria. Đúng vậy, thực phẩm và dịch vụ tiêu dùng là thế mạnh của Lotte. Nhưng với tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển bền vững, Lotte còn mở rộng hoạt động kinh doanh của mình vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể kể đến như bất động sản, công nghiệp hóa chất và năng lượng,…

Trong quá trình xây dựng thương hiệu toàn cầu, Lotte luôn lấy khách hàng làm trọng tâm, không ngừng cố gắng để đóng góp giá trị thiết thực cho xã hội. Đến nay, Lotte đã mở rộng thị trường và có mặt tại 22 quốc gia khác nhau. Điều này đem lại nguồn thu khổng lồ cho nền kinh tế quốc dân.
LỜI KẾT
Trên đây là danh sách TOP 5 tập đoàn tài phiệt có sức ảnh hưởng lớn nhất Hàn Quốc. Ngoài ra, Hàn Quốc còn nhiều chaebol có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển và phồn thịnh của quốc gia. Thứ hạng của các tập đoàn kinh doanh này có thể thay đổi theo thời gian. Nhưng ta không thể phủ nhận rằng tất cả chaebol đều giúp Hàn Quốc khẳng định và đánh dấu tên tuổi trên thị trường quốc tế.
Bài viết liên quan
LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN 2024_ WANG LANGUAGE
SÁCH LUYỆN THI TOPIK II HIỆU QUẢ
Bạn phù hợp với hình thức du học Hàn Quốc nào?