Hiện nay có rất nhiều người Việt Nam theo học ngôn ngữ Hàn Quốc bên cạnh ngoại ngữ phổ biến là tiếng Anh. Vậy các bạn có tò mò tiếng Hàn được tạo ra như thế nào không? Hãy cùng WANG Language tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1. Nguồn gốc và lịch sử phát triển của tiếng Hàn
Chữ tiếng Hàn hay còn được gọi là Hangeul được vua Sejong cùng các học giả tiến bộ của vương triều Joseon nghiên cứu và sáng tạo ra từ năm 1443. Sau đó đến năm 1446 thì bảng chữ cái tiếng Hàn được chính thức công bố gọi là Huấn dân chính âm (훈민정음) và đưa vào sử dụng phổ biến trong xã hội. Để tưởng nhớ công to lớn của vua Sejong, ngày 9/10 hàng năm được lấy làm ngày Hangeul (Hangeul Day – 한글날).
Trước khi chữ Hangeul ra đời, chữ Hán của người Trung Quốc được ưu tiên sử dụng ở Hàn Quốc lúc bấy giờ. Tuy nhiên, chữ Hán có nhiều hạn chế nên dẫn đến nhiều bất tiện khi sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy nên thời cổ đại, tiếng Hán hầu hết chỉ được sử dụng trong khoa cử và sáng tạo văn chương. Còn lại đa số người dân lao động Hàn Quốc thời bấy giờ đều không biết chữ. Do đó để xoá nạn mù chữ, vua Sejong đã sáng tạo ra một hệ thống ký tự dễ học, phù hợp với âm đọc của tiếng Hàn để tất cả mọi người dân đều có thể biết chữ. Từ đó việc truyền tải thông tin giữa người với người có thể thực hiện một cách dễ dàng.

2. Đặc trưng của tiếng Hàn
2.1. Đặc điểm của tiếng Hàn
Nếu phải học 7.000 ký tự Hanzi bạn mới có thể sử dụng thành thạo tiếng Trung hay phải học 3 bảng chữ cái khi học tiếng Nhật thì tiếng Hàn có vẻ dễ thở hơn nhiều. Nhưng tất nhiên việc học ngoại ngữ chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng để có được một ngày nào đó trong tương lai có thể xem concert của idol và hiểu idol thì chút khó khăn có đáng là gì. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập nghĩa là khi muốn biểu hiện thời gian trong câu thì quá khứ sẽ thêm từ “đã” hoặc tương lai là từ “sẽ” vào trước động từ. Trong khi đó, ngược lại với tiếng Việt, tiếng Hàn là ngôn ngữ chắp dính nghĩa là khi biểu hiện thời gian từ “đã”, “sẽ” sẽ được dính vào động từ của câu.
Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt là ngôn ngữ SVO với thứ tự trong câu luôn là chủ ngữ, động từ, tân ngữ. Ngược lại tiếng Hàn là ngôn ngữ SOV nghĩa là sẽ đặt động từ ở cuối cùng của câu và đứng sau tân ngữ. Ví dụ: “Tôi đọc truyện.” trong tiếng Việt thì khi chuyển sang tiếng Hàn sẽ thành: “Tôi truyện đọc”. Đây cũng là một phần khó khăn cho những người mới học tiếng Hàn và cả những người phiên dịch, nhất là người dịch cabin. Thêm nữa, nếu như người nước ngoài khi học tiếng Việt gặp khó khăn ở thanh sắc thì người học tiếng Hàn sẽ bị mắc chính ở cách phát âm các âm căng, âm bật hơi.
2.2. Cấu tạo của bảng chữ cái tiếng Hàn – Hangeul
Bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul sơ khai bao gồm 51 ký tự với 24 chữ tượng hình, tương đương 24 chữ cái trong hệ thống chữ Latinh. Tuy nhiên, theo thời gian phát triển và cải tiến, hiện nay bảng chữ cái tiếng Hàn chỉ còn 40 kí tự được phân thành 21 nguyên âm và 19 phụ âm. Chữ Hangeul được chia thành phụ âm và nguyên âm, trong đó:
10 nguyên âm cơ bản: | ㅏ, ㅑ, ㅓ, ㅕ, ㅗ, ㅛ, ㅜ, ㅠ, ㅡ, ㅣ |
11 nguyên âm đôi (ghép): | 애, 얘, 에, 예, 와, 왜, 외, 워, 웨, 위, 의 |
14 phụ âm cơ bản: | ㄱ, ㄴ, ㄷ, ㄹ, ㅁ, ㅂ, ㅅ, ㅇ, ㅈ, ㅊ, ㅋ, ㅌ, ㅍ, ㅎ |
5 phụ âm đôi (kép): | ㄲ, ㄸ, ㅆ, ㅉ, ㅃ |
2.3. Nguyên tắc khi viết tiếng Hàn
Nguyên tắc khi viết tiếng Hàn phải được viết theo thứ tự từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Nếu trong tiếng Việt, một nguyên âm có thể đứng độc lập thì mỗi âm tiết trong tiếng Hàn phải có ít nhất một phụ âm đầu và nguyên âm. Trường hợp một từ có mỗi nguyên âm thì phải thêm âm “ㅇ” (ng) vào trước nguyên âm, không để nguyên âm đứng một mình. Âm “ㅇ” đứng đầu gọi là âm câm, nghĩa sẽ không được phát âm.
3. Cơ hội rộng mở khi học tiếng Hàn
3.1. Khám phá một nền văn hoá mới
Năm 1992, Việt Nam – Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên phải đến đầu những năm 2000, người Việt mới có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với văn hoá Hàn Quốc như điện ảnh, ẩm thực, du lịch, lịch sử thông qua làn sóng Hallyu. Việc học ngôn ngữ Hàn có thể nói là rất thú vị, bạn có thể tự tin giao tiếp trôi chảy với người bản địa khi đi du lịch mà không cần công cụ hỗ trợ, khám phá những món ăn đường phố, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Chưa kể, mình còn có thể dễ dàng chia sẻ về con người, về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Hàn cho những người Hàn Quốc biết đến.

3.2. Nghe nhạc, xem phim tiếng Hàn
Bản thân mình tự nhận là fan cứng của K-pop, K-drama nên mình cảm nhận rõ nhất lợi ích của việc học tiếng Hàn. Với mình, biết tiếng Hàn đồng nghĩa việc cảm nhận sâu sắc lời ca và coi phim Hàn mà không cần mòn mỏi chờ Sub. Việc phải thường xuyên chờ phụ đề, thậm chí là chờ rất lâu mới có thể hiểu được nội dung rất bị động. Vậy nên việc học tiếng là một trong những phương pháp chủ động dễ dàng tiếp nhận sản phẩm giải trí mà không cần phải xem phụ đề. Từ đó, cơ hội thưởng thức vô số chương trình bổ ích khác giống như người bản địa sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

3.3. Mang lại cơ hội du học
Tất cả các trường đại học ở Hàn Quốc có tiêu chuẩn khá cao về học tập dù ở cấp bậc đào tạo nào, nhất là bậc đại học. Nếu bạn thành thạo tiếng Hàn trước khi đi du học, điều đó sẽ giúp bạn có lợi thế hơn những người khác khi phỏng vấn đi du học. Không biết các bạn đã nghe đến đại học SKY của Hàn Quốc chưa nhỉ? Đó là các trường: Đại học Seoul (SNU), Đại học Korea (KU) và Đại học Yonsei (YU) nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc. 3 trường đại học này không chỉ là khao khát của học sinh Hàn Quốc mà còn là của sinh viên quốc tế. Được vào học tại đây, nghĩa là bạn sẽ được học trong môi trường giảng dạy chất lượng, con đường sự nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ rộng mở.

3.4. Tăng cơ hội nghề nghiệp
Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam – Hàn Quốc hiện đang đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan. Việt Nam được xem như mảnh đất đầu tư đầy triển vọng và đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Có rất nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Lotte đặt trụ sở tại Việt Nam, Bên cạnh đó, hàng năm cũng có hàng trăm nghìn lượt khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam để khám phá và nghỉ dưỡng. Việc học ngôn ngữ Hàn Quốc sẽ giúp bạn có được một công việc hấp dẫn với mức thu nhập cao như giảng dạy, biên dịch, phiên dịch, hay các công việc trong lĩnh vực du lịch. Ngoài các cơ hội việc làm Hàn Quốc tại Việt Nam, nhiều người Việt Nam cũng chọn Hàn Quốc là nước đi xuất khẩu lao động.

LỜI KẾT
Thời buổi toàn cầu hóa như hiện nay mỗi người nên trang bị thêm cho mình một ngoại ngữ mới bên cạnh tiếng mẹ đẻ. Học một ngoại ngữ mới đồng nghĩa với việc học thêm một nền văn hoá mới. Mối quan hệ hợp tác song phương của Việt Nam – Hàn Quốc đã và đang rất tốt đẹp nên việc nắm vững tiếng Hàn sẽ giúp các bạn có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Bài viết liên quan
LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN 2024_ WANG LANGUAGE
SÁCH LUYỆN THI TOPIK II HIỆU QUẢ
Bạn phù hợp với hình thức du học Hàn Quốc nào?